Khi Momofuku Ando sáng tạo ra món mì ăn liền trong nhà kho ở Osaka 65 năm trước,ếgiớingàycàngchuộngmìănliềaw8 có lẽ ông không ngờ được món ăn đơn giản, tiện lợi, nhiều tinh bột này sẽ trở thành thực phẩm nổi tiếng toàn cầu, với ngày càng nhiều vị mới như cà chua cay, hải sản, gà teriyaki, thịt nướng Hàn Quốc, cà ri phô mai.
Ando, người qua đời năm 2007, thọ 96 tuổi, sống đủ lâu để chứng kiến công ty Nissin Foods của ông đột phá thành công thị trường quốc tế với hàng loạt loại mì ăn liền để phục vụ người dân khắp thế giới, kể cả những người cần tuân thủ quy tắc ăn uống của tôn giáo.
Theo số liệu công bố hồi tháng 5 của Hiệp hội mì ăn liền Quốc tế có trụ sở tại Osaka, năm 2022, người tiêu dùng ở 50 quốc gia đã tiêu thụ 121,1 tỷ khẩu phần mì ăn liền, con số cao nhất từ trước tới nay.
Những nước có mức tiêu thụ lớn nhất là nơi người dân vốn có truyền thống ăn mì lâu năm như Trung Quốc, Indonesia. Xếp thứ 4 và thứ 5 là Việt Nam và Nhật Bản, nhưng vị trí thứ ba là Ấn Độ, dấu hiệu cho thấy món ăn này ngày càng phổ biến tại những đất nước có nền ẩm thực ít gắn với mì.
Tại Mexico, nhu cầu tăng vọt 17,2% năm 2021, thời điểm nhiều người chuyển sang mì ăn liền vì các lệnh phong tỏa Covid-19, và vẫn tăng 11% năm ngoái. Mức tiêu thụ mì ăn liền ở Mỹ năm 2022 cũng tăng 3,4% so với năm trước, nguyên nhân một phần được cho là để giảm bớt áp lực lên tài chính hộ gia đình do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
"Những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ngày trước không dùng mì ăn liền bây giờ đang sử dụng chúng trong cuộc sống thường ngày", Nissin Foods cho hay.
Kết quả là Nissin và đối thủ Toyo Suisan quyết định xây thêm nhà máy ở Mỹ và Mexico năm 2025 để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. "Số người tiêu dùng thường xuyên tiêu thụ mì ăn liền đang tăng, chúng tôi quyết định tăng cường chủng loại hương vị", Toyo Suisan tuyên bố.
Nissin cũng sẽ chi 228 triệu USD mở rộng hiện diện ở Mỹ, trong đó có xây nhà máy mới ở Nam Carolina ngoài các nhà máy đang hoạt động ở California và Pennsylvania.
"Nissin Foods ghi nhận doanh số bán hàng tăng trưởng bền vững theo năm, đặc biệt trong 5 năm qua, do nhu cầu với các sản phẩm của chúng tôi tăng lên mức chưa từng có", Michael Price, chủ tịch Nissan Foods tại Mỹ, nói.
Ando đã để lại triết lý cho tập đoàn Nissin là "Yên bình sẽ đến với thế giới khi mọi người đủ ăn". Yên bình là thứ khó đoán trước, nhưng phát minh của ông ngày càng được thế giới ưa chuộng.
Ando tung ra thị trường loại mì ăn liền đầu tiên là Chikin Ramen (mì gà ăn liền) đựng trong túi bóng kính hồi tháng 8/1958. Sợi mì được nấu chín, cho thêm nước súp gà, gia vị, cuối cùng chiên giòn trong dầu cọ để mì khô lại. Ban đầu, mì ăn liền đắt hơn mì tươi nhưng tiện lợi hơn vì chỉ cần nấu trong ba phút và dễ dàng dùng tại nhà. Sau một năm thành công ở khu vực Osaka, Chikin Ramen được giới thiệu với người yêu mì khắp nước Nhật. Mì cốc xuất hiện năm 1971 và sau đó càng phổ biến nhờ hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Nhiều thập kỷ sau khi ra đời, mì ăn liền trở thành "món ăn toàn cầu", theo Ichiro Yamato, 55 tuổi, chuyên gia về mì ăn liền tại Osaka, nói.
"Hãy nhìn vào lịch sử thời hậu chiến, rõ ràng khi lực lượng lao động tăng lên, mức tiêu thụ mì ăn liền cũng tăng", Yamato, người ngày nào cũng ăn mì ăn liền, nói. "Đó là chuyện xảy ra ở Nhật Bản thời kỳ kinh tế hậu chiến, khi lực lượng lao động tăng và thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số bắt đầu dùng mì ăn liền, đồng thời cho con cái sử dụng".
Phần lớn các loại thực phẩm ở Nhật Bản đã tăng giá trong thời kỳ khủng hoảng giá sinh hoạt. Giá mì ăn liền tăng 20% trong hai năm qua, nhưng mì cốc và mì gói vẫn được coi là nguồn cung cấp thực phẩm rẻ tiền dù giá trị dinh dưỡng không quá cao.
Người Nhật Bản năm 2022 sử dụng gần 6 tỷ khẩu phần mì ăn liền, Theo Yamato, mỗi năm có khoảng 1.000 chủng loại mới được đưa ra thị trường Nhật Bản, nhưng chỉ một số ít tồn tại được trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Một buổi chiều tháng 11, trong bảo tàng Mì Cốc ở Ikeda, ngoại ô Osaka, các nhóm học sinh và khách du lịch tìm hiểu lịch sử mì ăn liền. Các gói mì được phát triển trong hơn 60 năm xếp dọc tường và trần nhà, còn 900.000 du khách đến bảo tàng hàng năm có thể tự làm món mì cốc nổi tiếng của Nissin theo cách riêng. Công ty đã bán ra hơn 50 tỷ phần mì cốc từ khi đưa ra thị trường.
Yamato chỉ ra các nhà sản xuất đã cố gắng thu hút thêm khách hàng bằng cách tập trung vào khẩu vị địa phương, từ phiên bản halal dành cho người Hồi giáo ở Indonesia tới mì có vị nước mắm ở Thái Lan, garam masala ở Ấn Độ hay nấm mỡ ở Pháp.
Yamato cho rằng Nhật Bản vẫn kiếm lời nếu các nhà sản xuất tiếp tục mở rộng ở nước ngoài. "Khắp thế giới, mì ăn liền sẽ phát triển mạnh hơn, dẫn đầu là Ấn Độ và những nước có dân số trẻ đang tăng lên ở châu Phi và châu Á", ông nhấn mạnh.
Hồng Hạnh(Theo Guardian)